saostar

Giải pháp bán hàng online Số 1 Việt Nam

Công an đi làm bằng… xe đạp ở Thanh Hóa

Công an phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa ra mắt mô hình “Cảnh sát khu vực đi công tác bằng xe đạp”.

Hiệu quả sẽ nhân rộng
Công an phường Nam Ngạn, TP.hanh Hóa vừa ra mắt mô hình “Cảnh sát khu vực đi công tác địa bàn bằng xe đạp”. Thượng tá Lê Kim Bùi – Trưởng Công an phường Nam Ngạn, cho biết: Xuất phát từ thực tế trong quá trình làm nhiệm vụ ở cơ sở nên một số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đưa ra đề xuất này và nhanh chóng được chính quyền địa phương và công an cấp trên đồng ý cho triển khai. Dù mô hình “Cảnh sát khu vực đi công tác bằng xe đạp” đang trong quá trình thử nghiệm, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình này đã nhận được cái nhìn thiện cảm từ quần chúng nhân dân.
Công an phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa ra mắt mô hình “Cảnh sát khu vực đi công tác bằng xe đạp” – (Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp).
Theo đánh giá bước đầu của thượng tá Lê Kim Bùi, loại phương tiện này có nhiều ưu điểm như tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường lại gần gũi với nhân dân… Dự kiến, sau một thời gian thử nghiệm, Công an TP.Thanh Hóa sẽ nghiệm thu, đánh giá hiệu quả để làm cơ sở nhân rộng mô hình. Trước mắt có 10 chiếc xe đạp được giao cho 10 cảnh sát khu vực của công an phường quản lý sử dụng. Hàng ngày, các cán bộ chiến sĩ sẽ đạp xe trực tiếp xuống từng khu phố được phân công phụ trách để gặp gỡ, thăm hỏi và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội…
Đại tá Trần Văn Thực – Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa – nhận định: “Để đánh giá được hiệu quả của mô hình này cần phải có thời gian, đặc biệt là từ phía nhân dân dưới địa bàn mới có thể biết được hiệu quả ra sao”.
Vẫn còn băn khoăn
Bà Đào Thị Trang (60 tuổi), trú tại phường Nam Ngạn, nhận xét: “Trước đây, thời bao cấp, do điều kiện khó khăn, các anh công an phải đi công tác bằng xe đạp là bình thường. Sau này, công an khu vực được Nhà nước cấp cho những chiếc xe “Xít-đờ-ca” (xe môtô 3 bánh) đi rất oai nghiêm. Thời gian gần đây, loại xe này không còn thấy nữa, thay vào đó là những chiếc xe máy, xe đặc chủng…, nhìn cũng oai nghiêm nhưng có gì đó… hơi sờ sợ. Nay nhìn cảnh các anh chị công an đi xe đạp xuống khu phố, ngõ hẻm đến tận nhà dân… bằng chiếc xe đạp, chúng tôi cũng cảm thấy thân thiện, gần gũi hơn nhiều”.
Còn ông Lê Mạnh Tiến – Trưởng phố Tân Sơn I, phường Nam Ngạn, bày tỏ quan điểm: “Thay vì sử dụng xe máy như trước đây, các cán bộ chiến sĩ sẽ đạp xe trực tiếp xuống từng khu phố thì công việc sẽ hiệu quả hơn nhiều. Vì loại phương tiện này sẽ tạo nên cảm giác gần gũi, thân thiện giữa cán bộ với quần chúng nhân dân. Bước đầu, tôi thấy mô hình này được bà con đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt tình”.
Về mô hình nói trên, trao đổi với phóng viên chiều 27.6, Thiếu tướng Trịnh Xuyên – Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đánh giá: Đơn giản đó chỉ là phương tiện đi lại của anh em. Ngoài phương tiện mà lực lượng được hỗ trợ là xe ô tô, anh em có thể sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp để đi xuống gặp dân, điều này cũng rất tốt.
Trước những băn khoăn, lo lắng về việc thực thi công vụ bằng xe đạp, Thiếu tướng Trịnh Xuyên đánh giá: Cái gì cũng vậy, bên cạnh ưu điểm thì cũng có nhược điểm. Và cũng không phải tất cả anh em đều đi xe đạp và lúc nào cũng đi xe đạp. Phải tùy từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà linh hoạt trong việc sử dụng phương tiện cho phù hợp. “Cũng phải sử dụng đan xen, linh hoạt. Nhưng quan trọng là khiến cho hình ảnh người công an trở nên gần gũi hơn trong mắt người dân, ngay từ những hành động nhỏ như việc đi bằng xe đạp” – ông Xuyên nói.
Trước đó, tháng 7.2013, cũng chính lực lượng Công an TP.Thanh Hóa đã có sáng kiến đặt hàng Viện Vũ khí (thuộc Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng) sản xuất “súng bắn lưới” (hay còn gọi là ống phóng bùi nhùi), được sử dụng rất hiệu quả trong việc chặn bắt các quái xế đua xe trái phép trên địa bàn thành phố.

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 News Today